Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh lựa chọn chủ đề công tác năm là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, cùng với việc ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, đã tiếp tục thể hiện quyết tâm lớn của tỉnh trong việc đầu tư cho phát triển văn hóa, con người.

Những kết quả tích cực

Năm 2023 khép lại, tiếp tục ghi dấu ấn nổi bật của Quảng Ninh trong việc hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tỉnh lập kỳ tích giữ vững đà tăng trưởng kinh tế 2 con số trong 9 năm liên tiếp, đứng đầu Vùng đồng bằng sông Hồng. Cùng với đó, những thành tựu về phát triển văn hóa cũng tạo nền tảng vững chắc để các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.


Phần thi sân khấu hóa của đội thi Đảng bộ TX Quảng Yên với chủ đề “Quảng Ninh Vùng mỏ anh hùng – khát vọng phát triển” trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh.

Theo đó, các hoạt động, chương trình, sản phẩm văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức, triển khai ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới và tạo được ấn tượng, sức lan tỏa tốt đẹp, thu hút đông đảo nhân dân hưởng ứng và tham gia. Qua đó, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng hưởng thụ, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền trong tỉnh.

Điều này thể hiện rõ qua thành công của chuỗi các chương trình, hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (1963-2023) như: Liên hoan Tiếng hát khu dân cư, Cuộc thi sân khấu hóa tìm hiểu Quảng Ninh 60 năm xây dựng và phát triển, chương trình nghệ thuật “Hạ Long thần tiên”, các hoạt động trưng bày, triển lãm, thi sáng tác văn học nghệ thuật, các hoạt động ngày hội tại các địa phương… đều được tổ chức long trọng, thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng. Cùng với đó, trong năm, toàn tỉnh đã tổ chức trên 200 chương trình văn hóa, nghệ thuật, 14 giải thể thao quốc gia, 24 giải thể thao cấp tỉnh… thu hút trên 50.000 lượt nhân dân và du khách tham dự, tạo nên môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, sôi nổi.


Liên hoan Tiếng hát khu dân cư TP Hạ Long chào mừng 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh, 30 năm thành lập TP Hạ Long.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục đi vào chiều sâu. Toàn tỉnh có 95% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 96% khu dân cư đạt danh hiệu “Thôn, khu phố văn hóa”. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở cũng thường xuyên được nâng cấp, phát huy được hiệu quả sau đầu tư, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao, học tập cộng đồng, phát triển các câu lạc bộ về lĩnh vực văn hóa, thể thao trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có 12/13 địa phương được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất trung tâm văn hóa – thể thao cấp huyện, thị xã, thành phố. Cấp xã, phường có 103/177 xã, phường, thị trấn đã thành lập trung tâm văn hóa, thể thao; cấp thôn, khu có 1.449/1.452 thôn, khu có nhà văn hóa, trong đó 976 nhà văn hóa cơ bản đạt chuẩn.

Trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản, tỉnh đã hoàn thành hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO ghi danh Di sản thế giới; Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Đồng thời, hoàn thành xếp hạng cho 12 di tích; đến nay, toàn tỉnh 8 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia, 100 di tích cấp tỉnh được xếp hạng và 466 di tích kiểm kê.


TP Móng Cái tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đình Trà Cổ (phường Trà Cổ, TP Móng Cái, Quảng Ninh). Ảnh: Hữu Việt

Hướng tới mục tiêu mới

Bước sang năm 2024, thực hiện nội dung chủ đề công tác năm “phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh” gắn với Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh đều tập trung triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết phù hợp với tình hình của đơn vị.

Trong đó, ngành Văn hóa sẽ tập trung tham mưu Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU báo cáo UBND ban hành; Kế hoạch chuyên đề thực hiện chủ đề công tác năm 2024 về phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh. Cùng với đó, thực hiện rà soát, đánh giá và xây dựng Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành văn hóa; Đề án thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin nhằm phát triển, khai thác, phục vụ hiệu quả thư viện số; xây dựng Đề án thí điểm hình thành và phát triển Khu công nghiệp văn hóa ứng dụng công nghệ cao tại TP Hạ Long; Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa Quảng Ninh; bộ nhận diện thương hiệu Quảng Ninh; tổ chức các chương trình học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước về xây dựng công nghiệp văn hóa.


Nhà văn hóa dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực (Tiên Yên) là địa điểm sinh hoạt văn hóa thường xuyên của nhân dân địa phương. Ảnh: Phạm Học

Đồng thời, xây dựng Đề án mô hình “Thôn, làng, khu dân cư văn hóa kiểu mẫu”. Hàng năm, xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp đặc sắc, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh, phục vụ cán bộ nhân dân, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo; gắn phát triển văn hóa với xây dựng nông thôn mới; nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền trong tỉnh.

Ngành sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao hiện có; chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch của địa phương, thông qua việc triển khai các đề án: Đề án tăng cường công tác quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030; Đề án bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030…


Các địa phương quan tâm tái hiện các nghi lễ, hoạt động văn hóa tại các lễ hội truyền thống. Trong ảnh: Múa hành quang của người Sán Dìu tại Lễ hội đền Đức ông Hoàng Cần và Ngày hội Văn hóa – Thể thao dân tộc Sán Dìu huyện Tiên Yên năm 2023.

Qua đó, phấn đấu xây dựng, phát triển nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh trên cơ sở kết hợp hài hoà các giá trị đặc trưng của tỉnh: Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hóa đặc sắc, Xã hội văn minh, Hành chính minh bạch, Kinh tế phát triển, Nhân dân hạnh phúc, cùng với hệ giá trị con người Quảng Ninh gồm các phẩm chất: Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh.

Nguyễn Dung