Cho tới nay, các cơ quan trung ương, các nhà khoa học, các đơn vị có liên quan và 3 địa phương Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đã thống nhất điều chỉnh lùi thời gian gửi Hồ sơ di sản thế giới Quần thể di tích – danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc thêm 1 năm nữa. Theo tiến độ mới, việc hoàn thiện bản thảo Hồ sơ đề cử trình Bộ VH,TT&DL sẽ xong trước ngày 30/7; hoàn thiện Hồ sơ đề cử trình UNESCO trước ngày 30/9 và hoàn thiện Hồ sơ chính thức trình lên UNESCO Paris trước ngày 31/12/2023.

Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, đơn vị đang chủ trì tư vấn về việc lập hồ sơ.

– Thưa ông, việc lùi tiến độ gửi Hồ sơ di sản Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là để tạo thuận lợi giúp các nhà khoa học thêm những tư liệu mới để bổ sung vào hồ sơ?

+ Việc này có nhiều thuận lợi, cái chính là giúp chúng tôi có thêm thời gian thể hiện một hồ sơ rất là khó và phức tạp như Hồ sơ Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc, có thời gian nghiền ngẫm, tìm ra những lý lẽ hay nhất để có thể thuyết phục thế giới.

Yêu cầu của UNESCO rất toàn diện, đầy đủ, sâu sắc. Thời gian qua, các nhà nghiên cứu, khảo cổ học đã tiếp tục điều tra, nghiên cứu và đề xuất khai quật khảo cổ thêm 9 điểm di tích ở cả 3 tỉnh, gồm: Yên Sinh, chùa Trại Cắp (Trại Cấp), chùa – am Thung, chùa – am Hoa, chùa Bảo Đài ở Quảng Ninh; chùa Hồ Bấc, chùa Cao, chùa Đám Trì ở Bắc Giang; chùa Thanh Mai ở Hải Dương. Qua khảo cổ đã phát hiện những dấu tích kiến trúc, di vật có giá trị rất mới, quý. Nhìn chung là dấu tích Phật giáo Trúc Lâm ở các khu vực này dày đặc và cho thấy sự phát triển, kéo dài liên tục từ thời Trần mới phát sinh, qua một thời kỳ trầm lắng, qua chiến tranh, sự thay đổi tư tưởng… đến thời Lê Trung hưng lại bùng lên, phát triển rực rỡ, khẳng định giá trị lớn lao của Phật giáo Trúc Lâm. Một số di tích đã phát triển qua thời Trần, Lê Trung hưng và tồn tại đến tận thời Nguyễn, tức là gần đến thời kỳ hiện đại sau này, như am Thung, chùa Thanh Mai, chùa Hồ Bấc.


Tảng đá gốc tự nhiên trên đỉnh núi Yên Tử thể hiện hình tượng Phật hoàng nhập niết bàn, tượng trưng cho quá trình tu đạo viên mãn của Ngài.

Các di tích như am Hoa, am Thung và Bảo Đài có cùng mặt bằng phát triển vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII, chứng minh sự nối tiếp và phát triển liên tục của Phật giáo Trúc Lâm. Ở một khu vực dày đặc chùa như vậy mà ở thế kỷ XVIII, người ta lại tiếp tục xây dựng nên 2 ngôi chùa lớn, khá là quy mô ở Bảo Đài, có tấm bia ghi đó là khu vực phía Đông của Yên Tử. Điều đó cho thấy quy mô của Yên Tử không chỉ ở khu vực trung tâm núi Yên Tử, mà bốn phía đều phát triển ra…

Dấu tích thời Trần lại có 2 di tích mới tại cánh đồng đền Sinh và khu Trại Cắp. Ở An Sinh xuất lộ những dấu tích của kiến trúc mang tính chất vương quyền, giống với những di tích mang tính chất cung đình ở nơi khác, như Thăng Long (Hà Nội), Tam Đường (Thái Bình), Tức Mặc (Nam Định)… Do vậy các nhà khoa học đoán đó có thể là khu dinh thự cực kỳ to lớn, hoành tráng của quý tộc thời Trần ở An Sinh.

Các vật liệu xây dựng chùa Bảo Đài (TP Uông Bí) được xuất lộ qua khảo cổ.

Chùa Trại Cắp hay chùa Đám Trì có vị trí nằm ở dưới thấp, khu vực đất đai màu mỡ, liền sát với Ngọa Vân, Hồ Thiên gợi cho chúng tôi suy nghĩ, các chùa có thể vừa là một trung tâm tôn giáo, thực hành nghi lễ của người dân trong khu vực, vừa là nơi cung cấp lương thực cho sư tăng trên các vùng núi cao thuộc Phật giáo Trúc Lâm ở khu vực núi Yên Tử, như chùa Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên… Vậy là nó có quan hệ chặt chẽ với nhau và mở rộng mạng lưới các chùa Trúc Lâm thời Trần thành một hệ thống hoàn chỉnh, bên cạnh công việc tôn giáo là các vấn đề sinh hoạt, đời sống thường ngày của sư tăng Phật giáo Trúc Lâm nữa.

– Vậy cho đến nay, các nhà khoa học đã thống nhất sẽ kể câu chuyện gì về Yên Tử trong Hồ sơ đề cử?

+ Đó là câu chuyện về việc người xưa đã tìm ra một địa hình rất đẹp, thiên nhiên hùng vĩ, giao thông thuận lợi, sớm đã có trạm trung chuyển cũng như thương cảng quốc tế đi qua khu vực này. Do vậy sự thu hút cư trú cũng như các luồng văn hoá giao thương ở đây rất lớn, đồng thời với đó là điều kiện sinh sống của con người cũng có sự thuận lợi, nhất là với cư dân biển. Trong điều kiện đó, nhà Trần ở thế kỷ XII đã vào cư trú ở khu vực Đông Triều, rồi từ Đông Triều với lợi thế của một cư dân ven biển, giờ lại sống bằng nông nghiệp, người ta đã theo các dòng sông chiếm cứ khắp nơi và cuối cùng làm chủ Đại Việt, xây dựng nên một vương triều có thể nói là hùng mạnh bậc nhất nền quân chủ của Việt Nam.

Khu di tích – danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) hiện còn hàng trăm am tháp được xây dựng qua các đời.

Dưới thời Trần thì các thành tựu về xây dựng, bảo vệ đất nước đều phát triển và đạt được những thành tích có thể nói là vang dội, lừng lẫy cả thế giới, như 3 lần kháng chiến chống quân Mông Nguyên thắng lợi, điều đó cả thế giới biết và khâm phục. Vương triều Trần đã xây dựng và phục hồi kinh tế bị suy thoái dưới thời Lý, thể chế hóa hệ thống tổ chức vương triều quốc gia rất hùng mạnh, trên cơ sở đó phát triển văn chương, nghệ thuật, rồi văn hoá tư tưởng, trong đó điển hình là tư tưởng thiền phái Trúc Lâm ở khu di sản này.

Nơi đây, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đến tu tập, xây dựng thiền phái, đào tạo tăng đồ, viết các trước tác để mà tuyên truyền tư tưởng Trúc Lâm – tư tưởng nhập thế, nghĩa là những người tu tập ở thời Trần xuất gia nhưng không xuất thế, người ta đem tư tưởng tích cực của họ vào sống giữa đời và truyền cho nhân dân một tinh thần dân tộc, tinh thần lạc quan, tinh thần yêu nước, tinh thần vui đời cũng là vui đạo, đạo với đời là một. Và từ đó lấy tư tưởng Trúc Lâm là bệ đỡ tư tưởng cho vương triều Trần, giữ cho đất nước không chỉ yên bình, bảo vệ được khỏi giặc ngoại xâm, mà còn phát triển đến giai đoạn rực rỡ. Trong nước, người dân phát triển cao về văn hoá cũng như truyền bá mạnh mẽ tư tưởng của Trúc Lâm, nên xã hội rất thanh bình. Người ta đã có nhiều bài thơ, câu thơ ca ngợi cảnh thanh bình đó của xã hội. Đấy là cái giá trị cơ bản.


Du khách nghe giới thiệu về các giá trị lịch sử, văn hoá của Yên Tử tại chùa Hoa Yên.

Do giá trị của Thiền phái Trúc Lâm như vậy cho nên tư tưởng đó của Trúc Lâm sống rất lâu trong lòng xã hội Việt Nam, khởi phát từ thế kỷ XIII, phát triển qua các thế kỷ XV, XVI, rồi phục hưng mạnh mẽ ở thế kỷ XVII, XVIII, và tồn tại cho đến ngày nay.

– Với câu chuyện có tính kết nối xuyên suốt đó thì các nhà khoa học tư vấn việc lựa chọn ra những tiêu chí di sản thế giới của Hồ sơ Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc như thế nào, thưa ông?

+ Về tiêu chí, trước đây định chọn 4 tiêu chí, nhưng hiện nay theo sự thảo luận của các chuyên gia trong nước và quốc tế thì chọn 3 tiêu chí là tiêu chí số iii, v và vi. Với tiêu chí iii, giá trị nổi bật toàn cầu của di sản là chứa đựng những di tích duy nhất chứng minh sự tồn tại, phát triển của nền văn minh thời Trần, thì tất cả những chứng cứ trên cả nước hiện không đâu bằng ở đây. Nghĩa là di tích vừa nhiều, vừa đa dạng, phản ánh nhiều nét sáng tạo của con người thời Trần trong xây dựng đất nước.

Với tiêu chí v dựa trên cơ sở các đức tổ Trúc Lâm lựa chọn khu di sản làm thành một trung tâm Phật giáo Trúc Lâm, có người gọi là vùng thánh địa của Phật giáo thời Trần hay là kinh đô của Phật giáo thời Trần. Vương triều Trần đã lựa chọn xây chùa, tháp, lăng mộ, đền miếu, quán đạo… ở đây. Việc xây dựng các công trình như thế gắn với việc lựa chọn cảnh quan vị trí đẹp, vật liệu xây dựng phù hợp, đã tạo nên một cảnh quan văn hoá có một không hai ở Việt Nam. Ở Việt Nam hiện nay, nói về các di tích cảnh quan văn hóa thì không ở đâu hoàn mỹ, đẹp như ở khu vực này.

Với tiêu chí vi, từ hệ thống di tích, di vật, cảnh quan như vậy đã để lại cho nhân loại những giá trị toàn cầu, đó chính là những giá trị tư tưởng của Phật giáo Trúc Lâm. Thiền Trúc Lâm, tư tưởng đó có ở đâu? Ở Ấn Độ, Trung Quốc, còn ở Phật giáo Việt Nam cũng tiếp thu tinh hoa tư tưởng ở phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc; thế nhưng trên cơ sở đó, các đức Tổ của Phật giáo Trúc Lâm đã phát triển tư tưởng đời được vui trong đạo, đời sống giữa đạo, đời phải là hành động trong đạo, đạo phải hành động trong thực tiễn. Từ đó đem lại tư tưởng tích cực cho người dân yên tâm xây dựng đất nước, đã đưa xã hội thời Trần phát triển đến đỉnh cao và lưu truyền đến tận bây giờ.


Tượng Phật hoàng trên đỉnh thiêng Yên Tử.

– Vậy hiện nay còn khó khăn gì không, thưa ông?

+ Điều các chuyên gia lo lắng nhất hiện nay là tính xác thực của di tích. Để làm cho di tích nổi bật lên thì tính xác thực là một trong những điều kiện hàng đầu bên cạnh tính toàn vẹn, tính nổi bật toàn cầu và kế hoạch quản lý. Giá trị nổi bật toàn cầu thì như tôi đã nói ở trên rồi. Về kế hoạch quản lý thì cũng không đáng lo lắm, nếu chúng ta còn khuyết thiếu gì thì chúng ta sẽ bổ sung. Tính toàn vẹn thì đã có các luật, điều luật, quy định của Nhà nước và các địa phương trong vùng di sản.


Những di vật đá còn sót lại qua các đời được trưng bày trong khuôn viên chùa Quỳnh Lâm (TX Đông Triều).

Tuy nhiên, tính xác thực thì khó hơn, các chuyên gia thẩm định của UNESCO yêu cầu là di tích của thời nào thì phải đúng là di tích của thời đó, chứ không chấp nhận những cái mới đưa vào. Đơn cử như yêu cầu phải đúng di tích thời cụ Trần Nhân Tông và các sư tổ khác của dòng thiền Trúc Lâm làm ra, hay phải đúng là các loại hình tôn giáo từ thế kỷ XIII, XIV cho tới nay, thì mới được công nhận và công nhận giai đoạn đó thôi. Việc tìm lại các giá trị của thời đó luôn là một khó khăn hàng đầu trong xây dựng Hồ sơ di sản thế giới Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc. Vì vậy sắp tới làm thế nào để nổi bật lên tính xác thực khi các chuyên gia quốc tế vào kiểm tra, thẩm định là một vấn đề rất lớn, cần phải chú ý để khắc phục.

– Xin cảm ơn PGS.TS về cuộc trao đổi!

Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh